Ăn thô là gì? Có nên áp dụng ăn thô lâu dài không?

Ăn thô là gì? Có nên áp dụng ăn thô lâu dài không?

Chế độ ăn thô đã xuất hiện từ cuối những năm 1800. Trong những năm gần đây, chế độ ăn này dần phổ biến trở lại. Một số người cho rằng ăn thô giúp mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng quát. Thế nhưng, nhiều quan ngại cho rằng chế độ ăn thô mang đến các tác dụng phụ. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể ăn thô là gì.

Bài viết cũng sẽ mang đến góc nhìn khoa học về lợi ích và hạn chế của chế độ ăn thô. Đồng thời trả lời câu hỏi có nên áp dụng chế độ ăn thô lâu dài hay không? Mời bạn đọc ngay.

Chế độ ăn thô là gì?

Chế độ ăn uống thực phẩm thô bao gồm thực phẩm chưa nấu chín, chưa chế biến. Bạn có thể sử dụng một số phương pháp chuẩn bị, bao gồm:

  • Xay sinh tố
  • Sấy, phơi khô
  • Ép nước
  • Ngâm chua, muối chua, lên men

Mục đích là ăn thực phẩm ở trạng thái tự nhiên, không có bất kỳ hình thức chế biến hoặc đun nóng nào có thể làm thay đổi cấu trúc của chúng.

Các loại ăn thô

Một số người tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt thực phẩm thô, không ăn gì ngoài thực phẩm sống trong mỗi bữa ăn. Những người khác tập trung vào thực phẩm thô cho phần lớn chế độ ăn uống của họ nhưng cũng bao gồm một số thực phẩm nấu chín hoặc chế biến.

Chế độ ăn thực phẩm thô có ba loại chính:

  • Chế độ ăn thô thuần chay (Raw vegan diet). Đây là kiểu phổ biến nhất. Nó giới hạn lựa chọn thực phẩm của bạn đối với thực phẩm sống và thuần chay (không có nguồn gốc động vật).
  • Chế độ ăn thô chay (Raw vegetarian diet). Giống như các chế độ ăn chay khác, kiểu này không bao gồm thịt, cá và gia cầm nhưng cho phép trứng và các sản phẩm từ sữa. Tất cả các loại thực phẩm đều sống và chưa qua chế biến.
  • Chế độ ăn tạp thô (Raw omnivorous diet). Trong chế độ ăn kiêng này, bạn có thể ăn tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, kể cả thịt, nhưng chúng phải sống và chưa qua chế biến.

Những thực phẩm nên và không nên tiêu thụ trong chế độ ăn thô là gì?

Thực phẩm nên ăn trong chế độ ăn thô

Khi ăn thô, bạn có thể ăn tất cả thực phẩm sống – ở trạng thái tự nhiên không qua nấu chín. Tuy nhiên, bạn có thể chế biến thực phẩm bằng các kỹ thuật đặc biệt như nảy mầm, lên men, hoặc phơi khô. Các loại thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn thô bao gồm:

  • Trái cây và rau quả tươi hoặc khô
  • Nước ép: trái cây, rau tươi
  • Các loại hạt và các loại đậu
  • Đậu nảy mầm
  • Rong biển
  • Chất béo và dầu từ quả bơ, dầu dừa thô, dầu hạt lanh thô, dầu ô liu nguyên chất ép lạnh,…
  • Thực phẩm lên men: Kefir, sữa chua, kim chi, rau củ muối,…
  • Đường tự nhiên: mật ong, mật hoa,…
  • Thịt cá sống
  • Trứng, sữa tươi.

Thực phẩm không nên ăn trong chế độ ăn thô

Những người theo chế độ ăn thô nên hạn chế hoặc tránh:

  • Thực phẩm nấu chín và chế biến
  • Dầu, chất béo đã tinh luyện
  • Muối
  • Đường tinh luyện
  • Bột mì tinh luyện
  • Các sản phẩm mì ống, bún, miến
  • Cà phê
  • Trà
  • Rượu bia.

Chế độ ăn thô có tốt không?

Chế độ ăn thuần chay thô thường có nhiều trái cây và rau quả, mang lại một số lợi ích tích cực cho sức khỏe. Nhưng nó không phải là một giải pháp ăn kiêng phù hợp với mọi đối tượng – và không dành cho người yếu tim.

Lợi ích của chế độ ăn thô

Lợi ích của chế độ ăn thô là gì? Ăn thô nói chung cũng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Ăn nhiều đồ tươi sống trông chế độ ăn thô cung cấp cho cơ thể nhiều:

  • Vitamin và các khoáng chất.
  • Chất phytochemical, các hợp chất thực vật có thể chống lại ung thư và các bệnh khác.

Những tác dụng khác của chế độ ăn thô gồm có:

Lợi ích của ăn thô: Ít đường

Công dụng của ăn thô cũng giúp bạn ăn ít đường bổ sung trong những thực phẩm được chế biến sẵn. Chế độ ăn uống thực phẩm thô đa phần cung cấp đường tự nhiên từ trái cây. Việc hạn chế tiêu thụ đường đã được chứng minh giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Những người theo chế độ ăn thực phẩm thô có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến: béo phì, tim mạch, tiểu đường và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Lợi ích của ăn thô: Giàu chất xơ

Những thực phẩm trái cây rau củ trong chế độ ăn uống thực phẩm thô giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Hơn nữa, một chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư.

Lợi ích của ăn thô: Ít natri (muối)

Chế độ ăn thô vẫn cung cấp một lượng natri tự nhiên trong thực phẩm, nhưng không đáng kể. Theo chuyên gia, chế độ ăn ít muối có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, suy tim và bệnh thận mãn tính.

Chế độ ăn thô có tốt không? Chế độ ăn này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, hãy tham khảo thêm những hạn chế của chế độ ăn uống đặc biệt này để có đánh giá khách quan nhất.

Hạn chế của ăn thô: Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Nếu bạn ăn thuần chay thô, bạn sẽ bỏ quan rất nhiều loại thực phẩm. Chuyên gia nhận định, chế độ ăn thuần chay thô, ở dạng nguyên chất, rất hạn chế sự đa dạng dinh dưỡng cơ thể cần. Việc này có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Khi bạn tránh sữa, trứng và thịt, bạn có thể không nhận đủ:

  • Chất đạm
  • Vitamin B12
  • Vitamin D
  • Chất vôi
  • Sắt
  • Iốt

Một nghiên cứu cho thấy 38% những người tham gia theo chế độ ăn thực phẩm thô bị thiếu vitamin B12. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra: vàng da, viêm lưỡi, loét miệng, vấn đề về thị lực, sa sút trí tuệ,…

Hạn chế của ăn thô là gì? Tăng nguy cơ ngộ độc

Thực phẩm sống, đặc biệt là các sản phẩm động vật sống, dễ gây ngộ độc thực phẩm hơn. Ngoài ra, những thực phẩm nảy mầm cũng có thể tạo điều kiện cho vi trùng phát triển vì điều kiện ẩm ướt khi trồng. Việc nấu rau mầm sẽ làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng điều này không phù hợp khi ăn sống trong chế độ ăn thực phẩm thô.

Lưu ý khi áp dụng chế độ ăn thô

Sau khi đã hiểu được chế độ ăn thô là gì, bạn nên chú ý những điều sau để có thể áp dụng ăn thô phù hợp cho sức khỏe. Chế độ ăn chay thô và ăn tạp sống, bao gồm thực phẩm sống từ động vật có thể nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Sử dụng sữa tươi, trứng và thịt chưa qua tiệt trùng mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

Rủi ro của ăn thô là gì?

  • Rủi ro từ sữa tươi khi ăn thô

Sữa đóng hộp thông thường đã được tiệt trùng để tiêu diệt vi khuẩn. Sữa tươi không được tiệt trùng và có thể chứa các vi trùng nguy hiểm như E. coli, SalmonellaListeria.

Chính vì vậy, nếu bạn muốn ăn thô, hãy kết hợp với sữa, pho mát và các sản phẩm từ sữa khác đã được tiệt trùng. Việc này sẽ giúp bạn tránh nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn có trong thực phẩm sống.

  • Hãy chọn trứng tiệt trùng hoặc đã nấu chín

Tương tự, trứng sống và chưa tiệt trùng cũng dẫn đến nhiều rủi ro. Ngay cả những quả trứng trông bình thường cũng có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Cách để hạn chế bị nhiễm khuẩn chính là nấu chín trứng cho đến khi cả lòng đỏ và lòng trắng cứng lại.

Nếu bạn muốn ăn trứng sống, tốt nhất hãy lựa chọn những loại trứng đã qua tiệt trùng.

  • Nguy cơ từ thịt và cá sống

Ăn thịt sống, thịt gia cầm và cá có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Khi bạn ăn những thực phẩm này, hãy nấu chúng ở nhiệt độ nấu tối thiểu được các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến nghị.

Có nên áp dụng chế độ ăn thô lâu dài không?

Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe. Kể cả bạn ăn thực phẩm sống hay chín, chúng tác động tích cực đến cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cắt bỏ toàn bộ một nhóm thực phẩm, hoặc ăn các thực phẩm động vật sống có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Các chuyên gia cho rằng, việc hạn chế các thức ăn chế biến sẵn sẽ hạn chế được lượng muối và chất béo không bão hòa dư thừa. Tuy nhiên, các loại thực phẩm như thịt trứng sữa chưa được xử lý, tiệt trùng hoặc nấu chín sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

Bạn không nhất thiết phải ăn kiêng cực độ để giảm cân hay cải thiện sức khỏe. Bạn hoàn toàn có thể nhận được lợi ích trên và áp dụng lâu dài chế độ ăn đủ dinh dưỡng và cân bằng.

Trái cây và rau sống có tốt cho sức khỏe hơn so với nấu chín không?

Việc nấu nướng có thể làm giảm một số chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Đặc biệt là các vitamin tan trong nước như vitamin Cvitamin B. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể áp dụng những phương pháp nấu ăn phù hợp để bảo toàn các chất dinh dưỡng.

Việc nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, hoặc luộc có thể phá hủy một số chất dinh dưỡng và tạo ra độc tố trong thực phẩm. Để tránh điều này, bạn hãy nấu thức ăn ở nhiệt độ thấp hơn trong thời gian ngắn nhất. Các phương pháp nấu ăn có thể bảo toàn chất dinh dưỡng bao gồm:

  • Nấu chậm
  • Hấp
  • Xào
  • Nấu bằng nồi áp suất
  • Nấu bằng lò vi sóng

Trong một số trường hợp, nấu ăn có thể làm tăng hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm. Ví dụ, cà chua, măng tây và bí xanh khi được nấu chín sẽ giải phóng nhiều chất chống oxy hóa hơn so với ăn sống.

Trong thời gian ngắn, chế độ ăn thực phẩm thô không gây ra những lo ngại lớn về sức khỏe. Tuy nhiên, chế độ ăn thô không phù hợp để thành thói quen ăn uống lâu dài. Ăn thô khó đáp ứng đủ lượng calo, protein và một số vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần.

0333738939