Trà là một loại đồ uống quen thuộc và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Trong đó, một số loại trà có thể đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường và giúp thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu, giảm viêm và tăng cường độ nhạy insulin.
Đối với những người mắc đái tháo đường, điều chỉnh lượng đường là biện pháp kiểm soát chỉ số đường huyết hiệu quả. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm và đồ uống để tối ưu hóa việc kiểm soát lượng đường trong máu lành mạnh là chìa khóa quan trọng.
1. Uống trà có lợi cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường
Lựa chọn đồ uống không có calo hoặc rất ít calo như trà không đường thay vì đồ uống có đường như soda hay cà phê có đường là một cách tuyệt vời để tối ưu hóa việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Thêm vào đó, một số loại trà có chứa các hợp chất thực vật chống lại tổn thương tế bào, giảm viêm và lượng đường trong máu, khiến chúng trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Hơn nữa, uống trà không đường có thể giúp giữ nước cho cơ thể. Trong khi đó, giữ đủ nước là điều cần thiết cho mọi quá trình của cơ thể, bao gồm cả việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy mất nước có liên quan đến lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
2. Người bệnh đái tháo đường nên uống trà gì?
2.1 Trà đen
Trà đen được khuyên dùng cho người bệnh đái tháo đường do các đặc tính có lợi của nó như giảm lượng đường trong máu, chống viêm và chống ôxy hóa. Thearubigin và theaflavins là những hợp chất thực vật mạnh được tìm thấy trong trà đen có tác động lớn tới sức khỏe của người bệnh đái tháo đường.
Chất flavonoid có trong trà đen được biết đến nhiều nhất để làm giảm lượng đường trong máu ngăn chặn enzym chuyển hóa tinh bột thành đường. Ngoài ra, các flavonoid làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm sự hấp thụ đường từ ruột.
Theo BS. Bùi Thế Long (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng 2-3 ly trà đen mỗi ngày, uống vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn khoảng 1 giờ.
Bác sĩ Long cũng lưu ý, dù trà đen có tác dụng tốt đối với người bệnh đái tháo đường nhưng không nên uống trước khi ngủ 1-2 tiếng, không uống quá nhiều và không uống trà quá nóng.
2.2 Trà xanh, lựa chọn tuyệt vời cho người bệnh đái tháo đường
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một tách trà xanh có 0 carbohydrate, 0g đường hoặc chất béo và chỉ 2,4 calo. Chính vì vậy, đây là một lựa chọn lành mạnh đối với sức khỏe, kể cả với người bệnh đái tháo đường.
Một trong những lý do trà xanh có thể đóng một vai trò ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, đó là nó có thể thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể. Trà xanh rất giàu polyphenol nhất định, có chức năng chống ôxy hóa và có tác dụng hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người bị đái tháo đường.
Không chỉ kiểm soát đái tháo đường, trà xanh còn quản lý các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường. Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường trong khi đó, trà xanh có thể kiểm soát cân nặng.
Một hợp chất gọi là catechin, được tìm thấy trong trà xanh, làm giảm sự hấp thụ carbohydrate và giảm đề kháng insulin. Nó giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức giới hạn bình thường. Ngoài ra, nó làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích sự hấp thụ glucose vào các cơ xương với sự trợ giúp của một hợp chất gọi là Epigallocatechin Gallate.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng 3-4 tách trà xanh mỗi ngày có thể giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát các triệu chứng bệnh đái tháo đường. Nên uống trước hoặc sau bữa ăn 1 giờ. Không uống trà lúc đói hoặc trước khi đi ngủ 1-2 giờ, không uống trà xanh quá đặc, không sử dụng trà xanh đã để qua đêm, không thêm đường và không nên uống quá nhiều trà xanh.
2.3 Trà quế
Quế là một chất bổ sung hỗ trợ tuyệt vời thường được dùng ở dạng cô đặc để giảm lượng đường trong máu. Bên cạnh dạng cô đặc, các nghiên cứu cho thấy rằng dùng quế như một tách trà cũng có tác dụng tương tự. Uống trà quế giúp cải thiện sự hấp thụ glucose của tế bào, tăng độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
rà quế ảnh hưởng trực tiếp tới các enzyme tiêu hóa, làm chậm quá trình phân hủy carbohydrate diễn ra tại đường tiêu hóa. Các chất ôxy hóa có trong trà quế giúp cơ thể giảm stress ôxy hóa, yếu tố có liên quan đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường typ 2.
Theo một nghiên cứu, nếu bao gồm quế trong chế độ ăn của những người mắc bệnh đái tháo đường, nó sẽ làm giảm lượng đường huyết và cholesterol toàn phần. Ngoài ra, nó hỗ trợ trong việc giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và các vấn đề tim mạch.
Có thể sử dụng 2,5g trà quế hoặc 2 thìa cà phê bột quế mỗi ngày. Buổi sáng là thời điểm dùng trà quế tốt nhất.
Lưu ý: Không uống trà quế nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú, không sử dụng nhiều hơn 6g bột quế/ngày.
2.4 Trà hoa cúc
Với các đặc tính kháng viêm và chống ôxy hóa, trà hoa cúc được các chuyên gia khuyên dùng cho người bệnh đái tháo đường. Nó ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng các đặc tính chống viêm, đặc biệt là ở tuyến tụy, đồng thời giúp theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu.
Tác dụng chống oxy hóa của trà hoa cúc giúp đối phó với stress ôxy hóa, là nguyên nhân làm tăng các biến chứng đái tháo đường. Trà hoa cúc cũng hỗ trợ kiểm soát lượng đường tăng vọt ngay sau khi ăn, hỗ trợ giảm cân bằng cách giảm cholesterol xấu.
Người bệnh đái tháo đường có thể dùng 3 ly trà hoa cúc mỗi ngày sau bữa ăn và trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút, không uống khi đói. Không kết hợp dùng trà hoa cúc song song với các loại thuốc Tây y. Hạn chế sử dụng trà hoa cúc nếu bạn đang mang thai.
2.5 Trà bạc hà chanh
Trà bạc hà có liên quan đến các lợi ích sức khỏe khác nhau vì có chứa một số chất chống ôxy hóa. Bên cạnh đó, polyphenol có trong trà bạc hà là catechin và anthoccyanins giúp giảm mức đường huyết khi tiêu thụ thường xuyên, đây thực sự là một tác dụng rất cần thiết cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Các polyphenol cải thiện độ nhạy insulin ở người bệnh.
Trong loại trà dành cho người bệnh đái tháo đường này chứa tinh dầu chanh có tác dụng tăng cường hấp thu glucose và ức chế tổng hợp glucose. Chanh chứa nhiều chất xơ hòa tan, không dễ bị phân hủy và đảm bảo lượng đường được giải phóng chậm trong máu.
Có thể sử dụng 1-2 ly trà bạc hà chanh mỗi ngày. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc người có bệnh lý trào ngược acid dạ dày, thực quản thì không nên dùng.
2.6 Trà atiso đỏ
Trà atiso đỏ (Hibiscus) là một loại trà có vị nhạt màu được làm từ cánh hoa của cây Hibiscus Sabdariffa và còn được gọi là trà chua. Đây là một trong những loại trà tốt nhất cho những người bị đái tháo đường.
Những lợi ích sức khỏe quan trọng của loại trà này thường bao gồm ngăn ngừa và quản lý đái tháo đường, huyết áp và điều hòa cholesterol. Nó cũng gây ra kháng insulin và điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngăn ngừa bệnh đái tháo đường bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp có thể làm rối loạn mức đường huyết.
Một nghiên cứu cho thấy, uống 150ml trà atiso đỏ ba lần một ngày trong khoảng bốn tuần có tác động tích cực đáng kể đến tình trạng kháng insulin và lipoprotein cụ thể của bệnh đái tháo đường type 2.